Mỹ đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị Covid-19 với biến thể Omicron

Mỹ đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị Covid-19 với biến thể Omicron

Mỹ đang đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị Covid-19 khi hai loại thuốc sử dụng kháng thể đơn dòng của nước này trở nên kém hiệu quả trước biến thể Omicron.

Các bệnh viện, công ty dược phẩm và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chạy đua với thời gian để giải quyết một trong những mối đe dọa lớn nhất của biến thể Omicron, khi 2 trong số 3 phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng mà các bác sỹ sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, dường như không mang lại hiệu quả trước biến thể mới nhất này. Phương pháp điều trị còn lại vẫn có thể phát huy tác dụng nhưng lại đang khan hiếm nguồn cung.

Thuốc kháng thể đơn dòng của Regeneron và Eli Lilly giảm hiệu quả đáng kể trước biến thể Omicron. Ảnh: AP
Thuốc kháng thể đơn dòng của Regeneron và Eli Lilly giảm hiệu quả đáng kể trước biến thể Omicron. Ảnh: AP

2 loại thuốc hàng đầu kém hiệu quả với Omicron

Sử dụng kháng thể đơn dòng đã trở thành phương pháp điều trị chính đối với bệnh nhân mắc Covid-19 và từng được chứng minh là đạt hiệu quả cao khi giúp bệnh nhân không phải nhập viện điều trị. Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng chóng mặt và Omicron đang trở thành biến thể vượt trội chiếm đa số các ca mắc hiện tại ở Mỹ, một số bệnh viện đã bắt đầu cắt giảm phương pháp điều trị này vì lo ngại chúng sẽ mất tác dụng.

Tại New York, các bệnh viện Langone và Mount Sinai thông báo họ sẽ dừng cung cấp cho bệnh nhân 2 phương pháp điều trị kháng thể được sử dụng phổ biến nhất do các hãng dược phẩm Eli Lilly và Regeneron cung cấp, The Times trích dẫn một biên bản ghi nhớ cho biết.Tiến sĩ Daniel Griffin, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia ở New York nhận định: “Đây là sự thay đổi đáng kể chỉ trong vòng một tuần và tôi nghĩ điều này rất đáng lo ngại”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến thể Omicron đã chiếm khoảng 73% số ca mắc mới tại Mỹ vào tuần vừa qua, tăng hơn 12% so với một tuần trước đó. Giới chức y tế liên bang đang xem xét liệu có nên dừng phân phối sản phẩm của Eli Lilly và Regeneron tới các bang hay không, dựa trên mức độ hiện diện của Omicron tại từng khu vực khác nhau trên toàn quốc.

Khi hai loại thuốc phổ biến này tỏ ra kém hiệu quả thì liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng thứ 3 có tên gọi Sotrovimab do các hãng dược phẩm GlaxoSmithKline và Vir Biotechnology phối hợp phát triển vào tháng 5, lại đang khan hiếm nguồn cung.

New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết, các cơ quan quản lý của Mỹ trong tuần này dự kiến sẽ cấp phép sử dụng hai loại thuốc kháng virus do Pfizer và Merck sản xuất. Hai loại thuốc này đều có thể ngăn ngừa các triệu chứng nặng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Thuốc của Pfizer, có tên gọi Paxlovid, đặc biệt hứa hẹn vì đã cho thấy hiệu quả tốt và có khả năng chống biến thể Omicron.

Dù nguồn cung những loại thuốc kháng virus nói trên ban đầu sẽ bị hạn chế, nhưng ngay cả một số lượng nhỏ được đưa vào sử dụng cũng có thể giúp giảm áp lực cho các bệnh viện hay sử dụng liệu pháp kháng thể đơn dòng để điều trị Covid-19.

Ông Bob Wachter, Chủ nhiệm Khoa Y tại Đại học California, Mỹ cảnh báo việc hạn chế hoặc dừng phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng có thể gây ra một cú sốc đối với những bệnh nhân cho rằng đây là cách điều trị hiệu quả và đáng tin cậy.

Kháng thể đơn dòng được phát triển trong phòng thí nghiệm, giống với miễn dịch của người từng mắc Covid-19. Sau khi tiêm vào cơ thể, chúng đủ sức ghi nhớ và tiêu diệt mầm bệnh trong thời gian dài. Các hãng dược phẩm Regeneron và Eli Lilly đã được cấp phép sử dụng phương pháp này vào cuối năm 2020.

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng những kháng thể này có hiệu quả trong việc giúp bệnh nhân tránh phải nhập viện điều trị vì triệu chứng nặng nếu họ được sử dụng sớm. Cựu Tổng thống Trump cũng được điều trị băng kháng thể đơn dòng do Regeneron tạo ra khi ông mắc Covid-19.

Tổng thống Joe Biden ngày 21/12 đã tìm cách trấn an người Mỹ về làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron sắp tới, đồng thời cố gắng thuyết phục công chúng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị

Khi biến thể Omicron được thông báo xuất hiện tại miền Nam châu Phi, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để kiểm tra xem liệu pháp kháng thể đơn dòng có chống lại được biến thể này hay không. Kết quả là liệu pháp của cả Regeneron và Lilly đều kém hiệu quả trong việc ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào của người. Ngược lại Sotrovimab vẫn phát huy tác dụng.

Tiến sĩ George Scangos – Giám đốc điều hành của Vir Biotechnology cho biết, sở dĩ Sotrovimab mang lại hiệu quả là bởi các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp khác để phát triển. Thay vì xem xét mẫu máu của những người từng hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, họ sử dụng mẫu máu của những người từng mắc SARS năm 2003, do một loại virus corona gây ra. Kết quả là họ đã xác định được một loại kháng thể từ bệnh nhân từng mắc SARS cũng có khả năng chống lại virus gây dịch Covid-19. Sự bảo vệ kép này giúp Sotrovimab có khả năng chống lại tất cả biến chủng đáng lo ngại của SARS-CoV-2 bao gồm cả Omicron và Delta.

Chính phủ Mỹ đã đặt mua khoảng 450.000 liều Sotrovimab và quá trình chuyển giao bắt đầu vào mùa Thu năm nay. Nhưng khi Omicron xuất hiện, các quan chức đã tạm dừng phân phối Sotrovimab tới các bang trong một nỗ lực đảm bảo nguồn dự trữ trước khi các nhà khoa học xác định được mức độ đe dọa của biến thể mới này.

Trong bối cảnh Omicron đang lây lan mạnh mẽ tại Mỹ, chính phủ đã quyết định phân bổ 55.000 liều Sotrovimab cho các bang. Dự kiến vào tháng 1/2022, GSK sẽ cung cấp thêm 300.000 liều nữa.

Kathleen Quinn, người phát ngôn của GSK cho biết các công ty đang tích cực làm việc để mở rộng năng lực sản xuất với việc bổ sung thêm một cơ sở sản xuất khác và đẩy nhanh kế hoạch hành động.

Bất chấp nỗ lực tăng cường sản xuất, việc gia tăng sản xuất được cho là khó có thể đáp ứng được nhu cầu tại khu vực Trung Tây – nơi đang thiếu trầm trọng loại thuốc kháng thể đơn dòng do sự gia tăng đột biến số ca mắc.

Bruce Muma, chủ tịch Hệ thống Y tế Henry Ford ở Michigan cho biết, hệ thống y tế và các quan chức tiểu bang đang chuẩn bị cho cắt giảm sử dụng các kháng thể đơn dòng Regeneron và Eli Lilly, trong khi đối mặt với sự thiếu hụt Sotrovimab.

Lindsay Petty, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Michigan, nói rằng bà và các đồng nghiệp của mình đang đau đầu để quyết định khi nào sẽ chuyển từ 2 loại thuốc có nguồn dồi dào sang thuốc Sotrovimab có nguồn cung hạn chế hơn

“Một khi thay đổi quyết định, chúng tôi dự đoán rằng chúng tôi sẽ không đủ thuốc điều trị mỗi tuần”, Lindsay Petty nói.

Cả Regeneron và Eli Lilly đều cho biết đang phát triển liệu pháp kháng thể đơn dòng mới để chống biến thể Omicron, nhưng có lẽ phải mất vài tháng, các loại thuốc này mới được đưa vào sử dụng.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents