Theo lãnh đạo UBND TP.HCM , sau 30.9, khi tích hợp các thông tin trong ứng dụng VNEID, người dân được phép ra đường không cần sử dụng giấy đi đường như hiện nay.
Tối 13.9, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, giải đáp thắc mắc của người dân về “kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM sau ngày 15.9″ qua hình thức livestream trong chương trình “Dân hỏi – TP trả lời”.
Người dân thắc mắc sau 30.9 còn sử dụng giấy đi đường không? Ông Bình cho biết hiện nay có 17 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường. Hết ngày 6.9 thì giấy đi đường gia hạn đến ngày 15.9; còn sau 30.9, TP sẽ tích hợp dữ liệu trên ứng dụng VNEID của Bộ Công an . Khi dữ liệu được tích hợp, đối với những người dân được đi đường, lực lượng công an sẽ kiểm tra trên ứng dụng này, không cần sử dụng giấy đi đường như hiện nay.
Về ý kiến người dân cho rằng, hiện TP.HCM có quá nhiều ứng dụng, ông Bình lý giải Thủ tướng cũng nói nhiều ứng dụng, nên Thủ tướng đã chỉ đạo sắp tới chỉ sử dụng một ứng dụng. Hiện TP đang tính toán phương án tích hợp các ứng dụng; Sở TT-TT có trách nhiệm tích hợp trong một ứng dụng để dễ quản lý (riêng về việc đi lại – PV).
Khi nào doanh nghiệp được hoạt động?
Giải đáp câu hỏi, đối với người dân có nhu cầu về quê, TP có hỗ trợ không, ông Bình cho biết TP.HCM là “TP nghĩa tình” không phân biệt người dân có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay di trú mà những người đến TP làm việc, tạo ra của cải, góp phần vào sự phát triển thì TP đều trân quý và đều coi đó là người dân TP để chăm lo tốt nhất.
“Dịch bệnh Covid-19 tại 33 tỉnh thành phía nam đang phức tạp, có nơi địa phương áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 16 “trừ”. Nếu bà con có nhu cầu thì TP thì sẵn sàng trên nguyên tắc “có người đưa đi thì có người đón về”. Do vậy, nơi người dân về phải tổ chức tiếp nhận; TP sẽ đưa đón, xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân. Các đầu mối có thể liên hệ gồm: hội đồng hương, Sở GTVT, Văn phòng UBND tỉnh để lập danh sách”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Bình đề nghị người dân không nên di chuyển trong thời điểm này và chịu khó thêm một thời gian nữa.
Về việc khi nào TP.HCM áp dụng thẻ xanh Covid, tiêu chí an toàn là gì và khi nào được mở cửa, ông Bình cho biết TP đang xây dựng các bộ tiêu chí của các ngành: công thương, y tế, giao thông, giáo dục, lao động… dự kiến hoàn thành trước ngày 16.9. Nếu qua đánh giá, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí thì được coi là an toàn và có thể hoạt động.
Ông Bình nhấn mạnh, doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất: 3 tại chỗ, 1 cung đường – 2 điểm đến, 4 xanh… Bộ tiêu chí này sẽ triển khai thí điểm từ 16.9 – 30.9 ở Q.7, Cần Giờ và Củ Chi; có thể mở rộng ở Khu chế xuất Tân Thuận và Khu Công nghệ cao TP.HCM. Nơi nào đảm bảo được an toàn thì TP sẽ sẵn sàng tạo điều kiện mở cửa.