TP HCM cần thay đổi cách chống dịch như thế nào?

TP HCM cần thay đổi cách chống dịch như thế nào?

Đô thị đông dân nhất Việt Nam đang ở giữa đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, với hàng ngàn ca nhiễm.

Bản tin sáng 30/6 của Bộ Y tế công bố thêm 94 ca nhiễm Covid-19, trong đó riêng TP HCM đã có tới 62 ca mới.

Trong nhiều ngày qua, thành phố đông dân nhất nước luôn đứng đầu bảng về ca nhiễm mới. Tính từ khi dịch bệnh xuất hiện, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 3.970 ca Covid-19.

Con số này sẽ tiếp tục tăng cao khi mà mỗi ngày thành phố có thêm hàng trăm ca mới.

Chỉ thị 10

Đặc điểm đông dân, trong đó có nhiều khu vực đông công nhân của các khu công nghiệp lớn, việc kiểm soát dịch bệnh theo cách thức “dập dịch”, “chống dịch như chống giặc” tại TP HCM có nhiều thách thức.

Cũng từ đặc thù này mà TP HCM cần những cơ chế, biện pháp riêng để chống dịch.

Khi xảy ra bùng phát dịch bệnh, các địa phương thường áp dụng hai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16/2020 tùy theo mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, các biện pháp từ trung ương dường như chưa phù hợp với tình hình hiện tại và đặc thù của TP HCM. Do đó, địa phương này đã hành Chỉ thị 10 (Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021) với các biện pháp bổ sung để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại và đặc thù của địa phương mình.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cán bộ y tế xịt khử khử trùng cho lô vaccine coronavirus AstraZeneca / Oxford Covid-19 đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM ngày 24/02/2021

Chỉ thị 10 của TP HCM, bên cạnh áp dụng các biện pháp đã có trong các chỉ thị nói trên của trung ương, còn có nhiều điểm bổ sung.

Một số điểm đáng chú ý và được coi là mạnh mẽ của Chỉ thị 10 bao gồm: Cấm tập trung quá ba người nơi công cộng; Tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, chợ tự phát tiếp tục dừng hoạt động; Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn…

Chỉ thị của TP HCM cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm các cấp chính quyền nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quy định chống dịch.

Vào ngày 29/6, đợt giãn cách xã hội lần thứ hai (và hơn một tuần sau khi triển khai Chỉ thị 10) đã kết thúc nhưng TP HCM vẫn chưa nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội giữa lúc số ca nhiễm không ngừng tăng cao.

Điều này đặt ra cho TP HCM nhiều câu hỏi: Những biện pháp như vừa qua có giúp kiểm soát được dịch bệnh? Giãn cách xã hội sẽ được áp dụng đến bao giờ? TP HCM cần thêm biện pháp mới nào để ứng phó dịch?

‘Cần đánh giá lại’

Tại buổi họp báo chiều 28.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết sắp tới thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần có thêm giải pháp mới để ứng phó.

Trước đó, báo Thanh Niên cho biết trong cuộc họp sáng 28.6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có một điều ngày càng trở nên rõ ràng, đó là với tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam cũng như thế giới, ý tưởng “đóng kín” đất nước hay thành phố để miễn nhiễm với dịch là không còn phù hợp nữa. Mặc dù “cách ly với nguồn lây bệnh” là chủ trương ban đầu và nhất quán của Việt Nam và qua đó giúp tránh được số ca nhiễm cũng như tử vong cao nhưng thực tế hiện nay cho thấy một đất nước không thể che chắn hết mọi lỗ hổng. Do đó, một kế sách lâu dài được coi là hướng đi phù hợp.

Hiện nay, một trong những giải pháp trọng tâm của TP HCM bên cạnh chiến lược tiêm chủng vaccine là mở đợt cao điểm lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong vòng 10 ngày (từ 26/6 – 5/7). Các biện pháp “truyền thống” như tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây… vẫn được tiếp tục.

Hàng loạt biện pháp siết chặt đối với các khu công nghiệp cũng được đưa ra như: quản lý chặt người lao động ra vào công ty, đề nghị người lao động sau giờ làm việc nên ở nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài gia đình, không tụ tập, không đi đến nơi công cộng; kiểm soát các khu lưu trú, ký túc xá công nhân…

Theo báo Thanh Niên, TP HCM cũng chuẩn bị kế hoạch điều trị 10.000 ca bệnh, phân tuyến ba cấp điều trị theo mô hình tháp ba tầng của Bộ Y tế gồm cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở bốn cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Tất cả những biện pháp quyết liệt trên được triển khai đồng thời với các biện pháp nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế. Bởi TP HCM là địa phương đầu não về kinh tế của Việt Nam, nên “mục tiêu kép” được trung ương và địa phương nhấn mạnh hơn hết thảy.

Tuy nhiên, nhiều người đánh giá việc vừa chống dịch quyết liệt theo kiểu thời chiến, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn mà TP HCM khó thực hiện vẹn toàn. Không ít chuyên gia cho rằng cái cần thay đổi trước tiên là tư duy của chính quyền và người dân, rằng Covid-19 sẽ còn kéo dài và không thể hoàn toàn tách ra khỏi cuộc sống, hay như người Việt thường nói cần phải có biện pháp để “sống chung với lũ” lâu dài.

Dù không nói rõ cách tiếp cận sắp tới như thế nào, nhưng việc Bí thư Nên nói rằng “cần rà soát, đánh giá lại” dường như cho thấy đang có những dịch chuyển về mặt nhận thức của các lãnh đạo.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents